1. Tình hình nạn mua, bán người trên thế giới.
Trong những năm qua, tình hình hoạt động tội phạm mua bán người trên Thế giới và trong khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất, phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương nói chung và các nước Tiểu vùng sông Mê Kông nói riêng, trong đó có Việt Nam, hoạt động tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em vẫn đang diễn ra; trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người; ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội.
Tại Việt Nam, tình trạng tội phạm mua bán người ở nước ta xảy ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng, với thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng tinh vi. Phần lớn các vụ mua bán người đều do các đường dây tội phạm thực hiện, có sự kết cấu chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và ngoài nước, với nhiều thủ đoạn hứa hẹn việc làm, môi giới hôn nhân, cho nhận con nuôi. Chúng thường lên mạng Internet để làm quen, rồi dụ dỗ các bé gái và chị em ở nông thôn có nhu cầu việc làm theo chúng lên biên giới tìm việc, hoặc vờ yêu đương rồi bán cho bọn "Mua bán người". Thậm chí, ngay cả người nhà cũng lừa nhau đem bán ra nước ngoài. Nhiều trường hợp bạn bè chơi với nhau hàng ngày, nhưng khi cần tiền để chơi bời chúng sẵn sàng dụ dỗ, đem bán cho kẻ xấu… Thời gian gần đây đã xuất hiện cả những vụ mua bán đàn ông, học sinh, sinh viên, mua bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê..
Xác định được nguyên nhân gia tăng tình trạng mua bán người là do siêu lợi nhuận; mất cân bằng về giới; khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm; thông thoáng trong xuất nhập cảnh; mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin của người dân; công tác truyền thông, đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người chưa đủ mạnh... Ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30/7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc…
2. Cán bộ, giáo viên, nhân viên và các bậc phụ huynh cần làm gì để phòng, chống mua bán người:
Hiện nay tình trạng mua bán người ngày càng có chiều hướng phức tạp. Nhu cầu về việc làm, có thu nhập là một nhu cầu chính đáng của người lao động mà chúng ta chưa đáp ứng được đầy đủ. Do đó, nhiều người dân đã bất chấp vi phạm pháp luật để vượt biên, di cư trái phép ra nước ngoài và biến mình trở thành những nạn nhân của các đối tượng mua bán người, bị cưỡng bức lao động... Nhiều đối tượng mua bán người đã đánh vào lòng tham của con người. Bên cạnh đó, một số người có tâm lý không muốn làm nhưng muốn hưởng thụ nên đã trở thành những nạn nhân của mua bán người từ lúc nào không hay; tình trạng kết hôn giả, mua bán trẻ em ngày càng trở nên báo động…
Để phòng ngừa, đấu tranh với những loại tội phạm này, trước hết mọi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân. Đây là yếu tố cần thiết trong công tác phòng ngừa, tránh tạo môi trường thuận lợi để bọn tội phạm hoạt động. Luôn cảnh giác, đề phòng người lạ hoặc cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn. Cảnh giác với những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có. Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết. Tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm, mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người bạn đi cùng mình như thế nào. Trước khi đi hãy tham khảo ý kiến mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết bạn sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa. Thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp cho người thân khỏi bị mua, bán. Quan trọng luôn nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân,... để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết. Đồng thời, tuyên truyền cho những người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với tội phạm buôn bán người.
Để công tác phòng chống tội phạm mua bán người thực sự đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng trong cộng đồng, mọi người dân cần phải nhận thức, hiểu rõ được tội phạm mua bán người như thế nào, phương thức thủ đoạn của bọn tội phạm, hậu quả nguy hại của mua bán người đối với xã hội và chính bản thân mỗi người nếu trở thành nạn nhân của hành vi phạm tội này, do vậy khi thấy có hành vi nghi là mua bán người cần báo ngay cho cơ quan pháp luật, tổ chức chính quyền nơi gần nhất để kịp thời đấu tranh.
Nắm rõ, thực hiện nghiêm túc chủ trưởng của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tội phạm mua bán người, kiên quyết đấu tranh với hành vi phạm tội này, không bao che hay giúp sức cho những đối tượng thực hiện hành vi mua bán người.
Trong quá trình điều tra các vụ án về mua bán người thì mọi người liên quan cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, cung cấp đầy đủ, chi tiết các thông tin mà mình biết được để cơ quan công an làm rõ tội phạm và hành vi phạm tội, tạo sức mạnh tổng hợp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các tổ chức, đường dây lợi dụng mạng xã hội để mua bán người xuyên quốc gia.
Tại phố, phường mình sinh sống nếu thấy những nạn nhân bị mua bán trốn được trở về địa phương sinh sống còn có tư tưởng chần chừ, do dự, tâm lý e ngại và lo lắng, sợ sệt thì cần phân tích, động viên để họ đến cơ quan công an tố giác tội phạm, khai báo, hợp tác để phục vụ công tác thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ giải quyết về tội phạm mua bán người.
Tích cực giúp đỡ, hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập như trợ cấp khó khăn, học nghề, tạo việc làm, khám chữa bệnh… giúp họ sớm ổn định cuộc sống.
Tích cực phòng chống nạn mua, bán người, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên, các bậc phụ huynh hãy tuyên truyền đến toàn thể nhân dân cùng đoàn kết, hành động vì sự an toàn của mỗi người, mỗi gia đình, vì tương lai tốt đẹp của toàn xã hội.