Nguyên nhân gây sâu răng là do sự kết hợp của các yếu tố bao gồm vi khuẩn, thói quen ăn vặt, sử dụng thức ăn, đồ uống chứa nhiều đường và thói quen vệ sinh răng miệng không tốt.
- Biểu hiện và triệu chứng của sâu răng như sau:
+ Răng đổi màu ở một vài vùng, vài điểm trên mặt nhai hoặc kẽ răng.
+ Trẻ đau răng, đau khi ăn, nhai hoặc có cơn đau tự phát mà không có nguyên nhân rõ ràng.
+ Trẻ kêu buốt răng khi ăn uống đồ ngọt, nóng hoặc lạnh hoặc khi có thức ăn giắt vào kẽ răng.
+ Ở giai đoạn muộn hơn quan sát thấy lỗ sâu trên răng. Bề mặt xung quanh lỗ sâu biến đổi sang màu nâu, đen.
+ Từ những lỗ sâu nhỏ nếu không được điều trị kịp thời, sâu răng sẽ diễn biến đến tủy răng, gây đau đớn kéo dài. Nhiễm trùng thời gian dài có thể lan rộng ra xung quanh chân răng, gây áp xe, viêm tấy vùng mặt. Trường hợp nặng có thể dẫn tới nhiễm trùng huyết, gây nguy hiểm tính mạng, điều trị tốn kém nặng nề.
+ Bên cạnh nguy cơ nhiễm trùng tại chỗ, toàn thân, sâu răng còn là nguyên nhân làm trầm trọng thêm một số bệnh toàn thân. Khoa học chứng minh sâu răng làm tăng nguy cơ viêm nội tâm mạc trên trẻ mắc tim bẩm sinh, tăng nguy cơ viêm cầu thận, tăng nguy cơ nhiễm trùng, dẫn đến tử vong trên trẻ mắc bệnh toàn thân nặng.
- Để phòng bệnh sâu răng ở trẻ em cần thực hiện những biện pháp sau:
+ Cha mẹ cần giúp trẻ vệ sinh răng miệng thường xuyên.
+ Đối với trẻ lớn thì cha mẹ nhắc nhở, giám sát để trẻ cần được vệ sinh răng miệng thường xuyên, duy trì 2 lần vào mỗi buổi sáng và tối như người trưởng thành.
+ Cha mẹ cần lựa chọn bàn chải tối ưu cho trẻ, loại bàn chải lông mềm, có tay cầm đủ to để hôc trợ trẻ dễ dàng cầm nắm, đầu bàn chải nhỏ. Với trẻ nhỏ mới mọc một vài chiếc răng sữa có thể lữa chọn bàn chải ngón tay.
+ Cha mẹ cần chú ý về phương pháp chải răng của trẻ. Hầu hết trẻ dễ dàng sử dụng phương pháp chải ngang. Chải ngang kết hợp chair xoay trò để hiệu quả hơn. Trẻ thường bỏ qua phần mặt nhai, mặt lưỡi và phần cổ răng gần lợi, do đó cha mẹ cần hỗ trợ trẻ làm sạch những vùng này.
+ Cha mẹ khuyến khích trẻ tự vệ sinh răng miệng, nhưng cần giám sát và hỗ trợ đến khi trẻ đủ khéo léo để tự chải răng. Trung bình thời gian chải các bề mặt răng cần 2,5 – 3 phút.
+ Đối với trẻ ở độ tuổi sơ sinh, cần được lau lợi hàng ngày để làm sạch và làm quen với vệ sinh răng miệng. Khi trẻ mới mọc răng, sử dụng bàn chải ngón tay và không dùng bất kỳ loại kem đánh răng nào. Cha mẹ cho trẻ vệ sinh răng miệng bằng nước muối sinh lý cho đến khi trẻ đủ lớn và biết nhả nước bẩn ra khỏi miệng. Lựa chọn kem đánh răng theo đúng độ tuổi được ghi bởi nhà sản xuất, không dùng kem đánh răng của người lớn cho trẻ nhỏ.
+ Trẻ ở độ tuổi đến trường và độ tuổi vị thành niên đã có đủ kỹ năng vệ sinh răng miệng, nhưng vẫn cần sự giám sát của cha mẹ. ngoài ra, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ sử dụng chỉ tơ nha khoa để hỗ trợ làm sạch vùng kẽ răng./.
Tài liệu tham khảo: Cổng thông tin điện tử Báo sức khỏe và đời sống.